Chào mừng quý vị đến với Website Nguyễn Văn Thắng

Phụ nữ luôn lo lắng về những cái đàn ông quên, còn đàn ông lại lo lắng về những gì phụ nữ nhớ!

Trang

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Cây cảnh trong nước và thế giới

Bonsai (tiếng Nhật: 盆栽; Hán Việt: bồn tài, nghĩa là "cây con trồng trong chậu") là loại cây nhỏ có dáng cổ thụ trồng trong chậu kiểng. Theo một số chuyên gia nghiên cứu về cây cảnh thì nghệ thuật bonsai của Nhật Bản chính là bắt nguồn từ nghệ thuật penjing của Trung Quốc.


Penjing là nghệ thuật sáng tạo cảnh vật thu nhỏ trong bồn chứa của Trung Quốc. Từ penjing gồm hai ký tự: "pen" nghĩa là "chậu" hay "vật chứa", và "jing" nghĩa là "cảnh quan". Một nghệ nhân có thể sử dụng nguyên liệu là cây và đá tự nhiên để miêu tả sinh động cảnh núi non thôn dã với suối chảy róc rách, hoặc cảnh non nước

với rừng rậm nhiệt đới. Đôi khi chỉ một cảnh vật đơn giản hơn nhiều cũng có thể thể hiện được toàn bộ chủ đề của tác phẩm. Penjing và bonsai là hai kiểu nghệ thuật có liên quan chặt chẽ với nhau. Penjing cổ xưa hơn, được coi là bắt nguồn của bonsai. Có một sự khác biệt lớn trong phạm vi nghệ thuật bonsai là "một cây trong chậu" và bởi vậy bonsai được định nghĩa hẹp hơn penjing là “cảnh vật trong chậu chứa ". Rất nhiều cảnh đẹp, tinh tế được làm ra bởi các nghệ nhân Trung Quốc rõ ràng không tuân theo những qui tắc của nghệ thuật bonsai. Penjing có thể được tìm thấy nhiều biến thể, người Trung quốc công nhận 3 trường phái đặc trưng: Cây (Shumu Penjing); cảnh (Shanshui Penjing); nước và đất (Shuihan Penjing).

Penjing là một loại hình nghệ thuật có lịch sử trên một ngàn năm. Theo những ghi chép lịch sử sớm nhất, một tác phẩm gồm cây và đá trong một bồn chứa được bài trí nghệ thuật có niên đại từ triều đại Tang (618-907). Tới triều đại Song (960-1279), người Trung Quốc đã trải nghiệm môn nghệ thuật này ở một cấp độ nghệ thuật cao hơn. Nghệ nhân penjing lấy cảm hứng không chỉ từ thiên nhiên mà là từ thơ ca miêu tả thiên nhiên và tranh phong cảnh sơn thủy. Tranh phong cảnh sơn thủy đạt tới đỉnh cao trong triều đại Song (960-1279), penjing nhờ vậy cũng phát triển mạnh mẽ. Trong những năm đầu của vương triều Qing (1644-1911), môn nghệ thuật này đã trở nên phổ biến, những tài liệu hướng dẫn đầu tiên đã xuất hiện. Ngày càng được nhiều người biết đến, penjing mang tính thương mại, dân gian, … và phát triển ngày càng tinh tế hơn để trở thành một trường phái nghệ thuật. Thêm vào đó, penjing được tinh lọc về mặt thẩm mĩ, người ta có thể tìm thấy những cây được tạo dáng bởi đại diện của các trường phái mang tính khu vực, nơi những thân cây được uốn để biểu đạt hình tượng những con rồng hoặc những tán lá che, miêu tả những lớp mây, hay những cây được tạo hình giống với những nét đặc điểm ngẫu nhiên nào đó. Các biến thể của penjing là bất tận. Trong truyền thống Trung Hoa, penjing là nghệ thuật của giới học giả cũng như nhà thơ, nghệ thuật viết chữ đẹp, hội họa và nghệ thuật sân vườn. Trong những năm sau này của triều Qing (1644-1911), thế kỷ 19, ách ngoại xâm đã dẫn tới thời kì suy tàn của penjing, chiều hướng này ngày càng trầm trọng trong suốt những năm chiếm đóng và độ hộ của nước ngoài, chiến tranh, nội chiến, cách mạng mà Trung Quốc đã trải qua trong suốt thế kỉ 20. Những bộ sưu tập cổ đã bị thất lạc, những nghệ nhân đã phải đấu tranh để tồn tại và để vượt qua bằng chính kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc của họ. Chỉ trong thời gian 20 năm sau đó, điều kiện ở Trung Quốc mới cho phép bắt đầu thời kì phục hưng môn nghệ thuật cổ xưa này. Ngày nay, số lượng những người đam mê và sưu tầm ngày càng tăng nhanh, họ khám phá bản ngã của mình trong nghệ thuật penjing. Có giả định rằng, nghệ thuật sáng tạo cây thu nhỏ đã du nhập vào nước Nhật khoảng thế kỉ thứ 13. Thời gian chính xác thì không được biết đến. Trong thế kỉ thứ 6 và thứ 7, Nhật Bản đã gửi phái viên (công sứ) đến Trung Quốc để nghiên cứu về nghệ thuật, kiến trúc, ngôn ngữ, văn chương cũng như hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Nhập khẩu văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc đã xảy ra trong suốt thời đại Nam Song (1127-1279). Chan, một hình thức của đạo Phật với giáo huấn có nguồn gốc Ấn Độ kết hợp với Đạo Lão, một đạo gốc Trung Quốc, đã du nhập tới Nhật Bản trong thời gian này dưới tên “Zen”. Sự chuyển giao văn hóa lớn bắt đầu vào những năm 1200, những nghệ sĩ Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm sự định hướng, triết lý, tự do “mượn” ý tưởng, chủ đề (cảm hứng), cũng như kiến thức về kĩ thuật và nghệ thuật làm vườn ở Trung Quốc.


Mục đích của các nghệ nhân penjing không chỉ tái hiện lại cảnh thiên nhiên trong một bồn chứa mà còn nắm bắt được cái tinh túy và cái hồn của nó. Giống như một bức tranh phong cảnh sơn thủy Trung Quốc, penjing nghiên cứu trong sự tương phản. Trên góc độ triết học, sự biểu hiện của các mặt đối lập là bằng chứng của khả năng khái niệm hóa vũ trụ (vạn vật) như đang được chi phối bởi 2 cực của nguồn năng lượng vũ trụ là nguồn năng lượng lạnh (âm) và nguồn năng lượng nóng (dương). Trên phương diện nghệ thuật, sự tương phản tạo nên sự nhịp nhàng (hài hòa) và trạng thái căng đột ngột, cái mà sau đó được giải quyết trong sự cân bằng động, một trạng thái thăng bằng hài hòa tinh tế. Đạt tới sự hài hòa trong cấu trúc tổng thể là quan trọng, đặc biệt trong một tác phẩm được cấu tạo bởi đa dạng các thành phần như “nước - đất” nơi các yếu tố như cây, đá, rêu, thảm cỏ và nước, tất cả đều cần thiết phải hài hòa với các yếu tố khác và góp phần vào việc thiết kế một kiểu dáng đầy ý nghĩa. Thêm vào đó, quyết định việc bài trí trên một bồn chứa và xác định nơi đặt tác phẩm, các nghệ nhân sẽ quan tâm đến chủng loại cây, số lượng cây được dùng, kích thước của chúng, xu hướng thân và mật độ tán. Họ sẽ chọn đá theo kích thước, màu sắc, hình dáng, chi tiết bề mặt của nó và phải phù hợp với cây. Cuối cùng mọi yếu tố trong thiết kế đều cần phải liên quan tới tất cả các yếu tố khác để toàn bộ cảnh hiện ra như một tổng thể đồng nhất, một tác phẩm hoàn thiện. Một tác phẩm penjing nổi tiếng không chỉ có đẹp mà phải trông hoàn toàn tự nhiên. Nó được nhìn như là bản thân tự nhiên đã tự sáng tạo ra nó - giống như một phần kì diệu của tự nhiên.

Bonsai và penjing có thể được quan sát trong sự suy tưởng. Bản thân việc sáng tạo ra bonsai hay penjing mang tính trầm tư, một bài tập mang tính tư duy - một dạng thực hành của thiền. Những cây nhỏ và phong cảnh thu nhỏ được xem là ca ngợi tự nhiên và năng lượng sẽ được mở rộng bởi môi trường tự nhiên nguyên sơ. Sáng tạo và chăm sóc bonsai, penjing sẽ khiến bạn gần gũi với thiên nhiên hơn, cho phép bạn cảm nghiệm nó theo nhiều cách trực tiếp và riêng biệt. Để hiểu sâu sắc về bonsai, penjing, việc thực hành sáng tạo cây và phong cảnh thu nhỏ cần được cảm nhận dưới góc độ của hai trường phái triết học lớn Trung Quốc, Đạo Lão và Thiền - Phật giáo. Đạo Lão đã dùng những ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật Viễn Đông trên 2000 năm. Đó là cách tư duy sống mà có thể đạt được sự tự do về thể xác và tâm hồn. Mục đích của Đạo Lão nêu rõ nguồn gốc đích thực bằng việc vứt bỏ những công thức tư duy và thái độ mang tính qui ước cứng nhắc. Nó cho thấy rằng bằng việc học theo ngoại cảnh và đưa ý nghĩ của chúng ta một cách tự nhiên, năng lượng sáng tạo to lớn có thể được khơi mở. Việc tác động vào nhịp điệu của tự nhiên và am hiểu về sự bị tác động qua lại của mọi thứ xung quanh chúng ta là thành phần chủ yếu của giáo huấn Đạo Lão. Phật giáo Thiền tiến triển như một nhánh mới của đạo phật mang những đặc điểm Trung Hoa độc đáo. Sau khi những nhà tu Ấn Độ đã truyền bá giáo huấn của Đức Phật vào Trung Quốc khoảng 2000 năm trước đây, kinh kệ đã được biên dịch bởi những nhà hành nghề truyền giáo Đạo Lão ở Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến một kiểu bị đồng hóa cao của Phật giáo, cái mà vẫn giữ được rất nhiều yếu tố chủ yếu của Đạo Lão. Ngồi thiền theo phong cách Trung Hoa (“zou chan” theo tiếng Trung Quốc, và “za zen” theo tiếng Nhật) không nhằm mục đích tìm kiếm để mang tư tưởng đặt dưới sự kiểm soát cứng nhắc như ở Phật giáo Ấn độ truyền thống, nhưng thay vào đó là để giải phóng, khuyến khích luồng tư tưởng không bị trở ngại, tốt đẹp thực sự và tự nhiên. Chan đã phổ biến ở các nước phương Tây với tên tiếng Nhật là Zen, dạy rằng tư tưởng giác ngộ có thể tìm thấy sự sáng tỏ ở mọi nơi, tại mọi thời điểm, dưới hình thức “sự lĩnh hội đột xuất”. Và vì vậy, một nghệ nhân bonsai hay penjing, làm việc với các nguyên liệu tự nhiên và sự tập trung mọi thời điểm, có thể đến với sự hiểu biết bất ngờ, nguồn cảm hứng và hướng giải quyết. Đây là quá trình sáng tạo. Nó thường tìm đến các nghệ nhân một cách lặng lẽ được tạo nên bởi sự suy ngẫm một cách tích cực. Sắp xếp cây và bài trí đá, nghệ nhân ấy đột nhiên khám phá ra một vài thứ mới, không dự định trước - một tác phẩm được thổi hồn một cách tự nhiên, hài hòa, cân đối, đưa đến một vẻ đẹp tuyệt vời, biểu hiện vũ trụ và chân lí vĩnh cửu bằng phương pháp dường như ít tốn công hơn.

Một số trường phái bonsai của Trung Quốc:

+ Trường phái bonsai An Huy:


Khu vực Huyện Hợp và Vân Nam của An Huy bốn mặt là núi vây quanh nên dân chúng ở đây thường trồng cây trên sườn núi để dùng làm bonsai. Vì thế họ có kinh nghiệm phong phú về trồng trọt và tạo dáng, hình thành một phong cách nghệ thuật độc đáo, trở thành một phái gọi là phái An Huy.

Chậu kiểng An Huy với đặc điểm là màu xanh (thương cổ) độc đáo. Các loại cây phái An Huy thường dùng là cây Mai, La Hán tùng, Hoàng sơn tùng, Hội bách, Thúy bách, Đào Quế hoa, Tử Vi, Nam thiên trúc ... Bonsai An Huy tạo dáng đều bắt đầu từ cây non, rồi dùng gậy cắm vào đất làm vật chống cây giúp tạo dáng. Mỗi năm tiến hành một lần, chủ yếu là uốn cong hình thể cành lớn, còn cành nhỏ thì không phải gia công. Một chậu kiểng An Huy từ lúc đánh rễ cho đến khi định hình thường phải trải qua 10 năm.

+ Trường phái bonsai Thượng Hải:


Bonsai Thượng Hải là trường phái nghệ thuật bonsai của thành phố Thượng Hải. Bonsai tự nhiên phóng khoáng, qui cách hình thức muôn hình muôn vẻ: có loại bonsai mini, cũng có loại bonsai siêu nhỏ. Cách chăm sóc là từ lúc nhỏ, cũng có loại đào trên núi mang về chăm sóc. Tạo dáng đều dùng phương pháp "bó thô cắt nhỏ". Trước tiên lấy giàn thép bó lại các nhánh chính, sau một năm cởi dây ra và gia công cắt tỉa. Hình thức gia công muôn hình muôn vẻ, nhưng sau khi thành hình các nhánh cây phải uốn cong tự nhiên, đường nét sáng sủa, lá cây phân bố đều … Phái Thượng Hải thường thông thoáng, tầng lớp rõ rệt, biến hóa phong phú như vẽ trong tranh nên có phong cách độc đáo, riêng biệt. Các loại cây dùng cũng phong phú ước có hơn trăm loại, thường có Ngũ kim tùng, Hắc tùng, La Hán tùng, Chân bách ... Ngoài ra còn có cây Du, Phong, Tước Mai, các loại trúc Trảo tử, Hoàng Dương, Lục nguyệt sương, Nam Thiên trúc, Thạch lựu ...

+ Trường phái bonsai Dương Châu:


Bonsai Dương Châu lấy trung tâm là Dương Châu tiêu biểu cho phong cách bonsai khu vực phía Bắc tỉnh Giang Tô. Chậu kiểng Dương Châu có đặc điểm lấy quấn để tạo dáng đều phải gia công từ lúc còn non. Uốn cành thành hình con rắn, dày một tấc ba vòng, khiến cành lá cắt bó thành hình vân phiến (mảnh mây) cực mỏng. Thân cây thành hình xoắn ốc cong lại. Cây có hình bậc thang 1 - 3 tầng và nhiều tầng. Chậu kiểng Dương Châu thường rải sỏi trong chậu gọi là điểm thạch. Lấy sỏi đá so sánh với thực vật làm cho cây có khí thế ngút trời, đồng thời tăng thêm dáng vẻ tự nhiên. Bonsai Dương Châu còn một loại đặc biệt là kiểu Thủy hạn, nghĩa là trong chậu kiểng có một phần đất, còn một phần là nước. Như vậy có sơn thủy lại trồng cây nên rất được ưa chuộng. Cùng với loại này còn có loại Hạn bồn thủy ý dùng đá cuội nhỏ để thay cho nước chảy, tuy không trữ nước song có cảm giác như nước chảy. Loại cây bonsai chủ yếu là cây Tùng, Bách, Du, Dương (Trảo tử Hoàng dương) và La hán tùng, Nghênh Xuân, Lục nguyệt sương …


+ Trường phái bonsai Tô Châu:



Bonsai Tô Châu lấy thị trấn Tô Châu làm trung tâm, tiêu biểu cho phong cách bonsai khu vực phía Nam tỉnh Giang Tô. Tạo dáng bonsai điển hình là thân cây đứng có 6 đài ba thác một đỉnh. Toàn bộ lấy quấn làm chính và cần tới hơn 10 năm thì quá trình gia công mới hoàn thành. Chậu kiểng Tô Châu phần lớn là đào các cây cổ ở núi, rồi ghép thêm cành vào dùng phương pháp chỉnh hình "bó thô cắt nhỏ". Các loại cây gồm các loại cây có lá như Tước Hải, cây Du, Tam giác phong, Thạch lựu và Mai. Mấy năm gần đây, chậu cảnh Tô Châu đã phá vỡ phương pháp truyền thống lấy thiên nhiên làm đẹp, phản đối tạo dáng mềm mại, dùng bó là chính trở thành dùng cắt là chính, lấy bó làm cơ bản.


+ Trường phái bonsai Tứ Xuyên




Bonsai Tứ Xuyên lấy Thành Đô làm trung tâm, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật bonsai tỉnh Tứ Xuyên. Bonsai Tứ Xuyên có những qui tắc phong phú đa dạng, có nhiều danh mục và mỗi thứ lại có các luật riêng. Thân cây và cành cây ngay lúc nhỏ phải uốn cong với các cách khác nhau, thường chú trọng cấu đồ không gian lập thể. Các kiểu bonsai có kiểu "treo buộc", treo vuông, treo đối nhau, rồng cuộn tam loan cửu đáo, đại loan tùy chí. Phần rễ đều dùng nhiều loại rễ giao nhau hay rễ treo lộ trảo. Các loại giống cây dùng cho bonsai là Kim thiên tử, Thiếp canh hải đường, La hán tùng, Lục nguyệt sương, Mai, Thạch lựu, Trúc U ... Mấy chục năm nay, bonsai Tứ Xuyên dựa trên cơ sở truyền thống, sáng tạo ra một loạt các kiểu dáng có màu sắc tự nhiên.


+ Trường phái bonsai Lĩnh Nam:


Bonsai Lĩnh Nam lấy Quảng Châu làm trung tâm, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). Những nhà làm bonsai đã dùng cảnh sắc "nhấp nhô chập chùng" để sáng tạo ra phương pháp tự hình "cắt tỉa". Loại chỉnh hình này có tỉ lệ thích đáng giữa cành và lá, trên dưới đều nhau, chú trọng đường cong ở rễ, thân và cành. Cây có dáng tự nhiên không gò bó. Mặc dù do bàn tay người tạo ra song đem lại vẻ đẹp thiên nhiên một cách độc đáo. Hình thức thường thấy của bonsai Lĩnh Nam là hình đại thụ, thân cây chắc khỏe, rễ cây sum xuê, lá mọc rậm rạp. Bonsai Mộc Miên thân cây mộc thẳng, cành bên bằng nhau. Loại bonsai kiểu vách núi chia ra loại toàn bộ và một nửa; song đều dùng cách chiết cành ghép thân nên có dáng khỏe mạnh. Bonsai loại rừng cây gồm ba cây trở lên hợp thành, mô phỏng cảnh rừng rậm có không khí thiên nhiên. Loại cây thì thường chọn các cây Du, Tước Hải, Cửu Lý Hương, Trà Phúc Kiến ... có mầm mọc nhanh và khỏe.

Việc chơi bonsai ngoài việc yêu thiên nhiên, cái đẹp, nó còn mang một ý nghĩa sâu xa là động viên người chơi phải sống mạnh mẽ giống như cây bonsai đã sống. Trên thế giới, người ta chia bonsai thành bốn nhóm:

+ Cây dưới 15 cm là loại bonsai rất nhỏ.
+ Cây cao từ 16 đến 30 cm là loại bonsai nhỏ.
+ Cây cao từ 31 đến 60 cm là loại bonsai trung bình.
+ Cây cao trên 60 cm là loại bonsai lớn.

Loại dưới 15 cm là "mini bonsai", thường được trồng trong chậu nhỏ và trưng bày trong nhà. Còn loại trên 60 cm là cây trồng trong chậu đặt ở sân vườn hoặc trước hàng hiên nhà. Ban đầu, chỉ có 5 thế bonsai cơ bản là: thẳng đứng (Chokkan), thẳng đứng phóng khoáng (Moyogi), nghiêng (Shakan), thác đổ (Kengai) và nửa thác đổ (Han Kengai ). Về sau, người ta phát triển thành nhiều thế khác như: rễ phủ trên đá (Sekijoju), rễ trong đá (Ishizuke), chổi (Hokidachi ), bạt phong (windswept), song thụ và tam thụ (Ikadabuki), thế lùm (clump style), văn nhân (bunjin-gi), thế cành rủ (weeping style), thế gỗ mục (dead wood) và nhóm cây hay rừng (Yose Uye) ...

Người ta thường dựa vào các yếu tố sau để đánh giá một cây bonsai có giá trị:
+ Cây phải trổ nhiều hoa và hoa phải có màu sắc đẹp.
+ Lá xanh mướt, bóng; lá càng nhỏ càng tốt.
+ Thân cây phát triển kiểu "đầu voi đuôi chuột" (phần gốc lớn hơn phần ngọn). Một cây có thân suôn đuột, đường kính gốc và phần ngọn không chênh lệch nhau nhiều thì không thể làm thành cây bonsai.
+ Cành, nhánh phải phân chi rõ ràng, phù hợp với một loại dáng thế nào đó đã định trước. Cành, nhánh phải mọc được những chồi non tốt.
+ Vỏ cây phải thu hút được cái nhìn của người thưởng ngoạn (càng sần sùi, lộ vẻ già nua càng tốt).
+ Bộ rễ dày, to, gân guốc nằm lộ khoảng 1/3 trên mặt chậu.

Những yếu tố nêu trên kết hợp hài hòa với nhau sẽ tạo ra một cây bonsai lí tưởng (nếu có dáng thế phù hợp).
Người ta dễ dàng nhận biết được tính tình của một con người qua cây kiểng người ấy trồng. Trong thuật trồng cây, những cây cổ thụ tí hon trồng trong những chiếc chậu cạn, thu gọn trong khuôn khổ bé nhỏ, có nhiều giá trị. Người chơi cây kiểng loại này phải là những tay làm vườn lành nghề, say mê trong nghề và khiếu thẩm mĩ cao.

Người phương Đông có truyền thống ca ngợi và tôn trọng tuổi già. Bonsai là cách thể hiện tuổi già cây cỏ được thu nhỏ và trang trọng. Không làm lạ khi thấy thuật chơi bonsai thịnh hành khắp nhiều nước phương Đông. Người già lại rất thích bonsai.

Cây kiểng là một công trình nghệ thuật dài lâu. Cây kiểng có khi lưu truyền từ đời cha đến đời con. Có nhiều cây kiểng tí hon sống hàng thế kỷ, truyền từ đời nọ sang đời kia. Người giữ cây có một quyền lực tinh thần vô cùng thiêng liêng đối với các tác phẩm của mình đã từng ra công vun vén. Phải được người giữ cây cho phép mới được định đoạt số phận của các chậu kiểng. Bán các cây kiểng chẳng khác gì bán mất con cái của người giữ cây, cho nên tại Nhật ít thấy những chỗ bán cây kiểng và người mua cũng thận trọng khi tiếp xúc với người bán cây kiểng. Giá cây kiểng ở đây rất cao.

Nhật Bản hiện nay phát triển một trường phái chơi cây kiểng mới lan rộng ra cả giới trẻ và các bà nội trợ: đó là nghệ thuật trồng hoa trong chậu. Khác với hoa cắt cành có nhiều khuyết điểm như thời hạn sử dụng ngắn, phải thường xuyên thay nước …, hoa trồng trong chậu tươi rất lâu mà không cần tốn công chăm sóc nhiều. Hoa trồng trong chậu đang thịnh hành ở Nhật Bản, chúng được trồng đủ loại với nhiều kích cỡ, dáng vẻ khác nhau và bày bán như thực phẩm ở nhiều siêu thị. Hoa trồng trong chậu đã len lỏi vào từng nhà dân, lên các sảnh đường sang trọng, có mặt trong các buổi tiệc, lễ hội lớn … Trường phái hoa trồng trong chậu và trường phái bonsai hầu như không quan hệ gì với nhau. Hai cách trồng và cảm thụ hoàn toàn khác biệt. Có lần đi dạo trong công viên của Nhật, tình cờ tôi bắt gặp một số hoa kiểng do những nghệ nhân già trưng bày. Vốn ấp ủ dự án Bonsai nghệ thuật trong đầu từ lâu, tôi vội vàng rảo bước đến xem. Trước mắt tôi hiện ra những tác phẩm mộc mạc, rẻ tiền nhưng rất sáng tạo. Họ dùng nhiều vỏ cây khô xếp chồng lên nhau tạo thành vô số hình dạng thật lạ mắt, đan xen các vỏ cây đó là các loại hoa cúc bình thường. Vỏ cây khô và hoa cúc đủ màu đã tạo ra một trường phái hoa kiểng mới kết hợp giữa bonsai và hoa. Tôi sung sướng reo lên như mình vừa phát minh ra một hướng đi mới cho hoa kiểng Việt Nam. Có lẽ nào với những chất liệu như vỏ cây, đất, đá, nước, … phẩm màu, thơ họa, thư pháp … kết hợp với những loài hoa bình dị của quê hương tôi sẽ cho ra những tuyệt tác mà bất cứ ai cũng có thể trầm trồ và sử dụng? Tôi mơ mình đang đứng giữa một siêu thị hoa, với cơ man các loại hoa đủ màu sắc, hình dạng, và không thể cưỡng nổi ham muốn mua liền một chậu hoa nào đó tặng cho người mình yêu mến. Hoa kiểng trong chậu khi đem về nhà như một tác phẩm thiên nhiên thu nhỏ, chứa đựng nhiều ý nghĩa thâm thúy, tươi rất lâu, sẽ làm cho cuộc sống tinh thần của con người thêm hạnh phúc. Từ phát hiện đó, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng hoa kiểng Việt Nam sẽ có chỗ đứng và ngày càng phát triển vững mạnh khi tôi triển khai dự án này vào cuộc sống. Thời gian gần đây, người Nhật lại có kiểu "chơi cây kiểng bỏ túi". Những cây bonsai tí hon trồng trong chậu, mỗi chiều chừng 3 cm đến 4 cm được dân văn phòng mê tít thò lò. Tất nhiên, giá thành của nó không hề rẻ!

Dưới đây là một số hình ảnh về cây cảnh bỏ túi ở Nhật Bản:































Thật ra, bonsai của Nhật cũng có những nét đặc thù. Khi du nhập, người Nhật đã biến đổi theo thần trí và hồn tính của mình. Họ có thứ triết lý riêng cho bonsai. Triết lý đó là: Chậu cây kiểng là tượng trưng cho sự khắc khổ và khôn ngoan. Hiểu được nghệ thuật đó qủa không dễ. Cây cảnh thu nhỏ tiêu biểu cho một cây già lâu năm, đứng trơ trọi một mình trong vũ trụ bao la, có dáng dấp và phong thái rất đẹp. Tạo được hình ảnh như thế cho một cây bé nhỏ chỉ cao khoảng 30 cm thường trồng bằng hạt quả là việc không phải dễ dàng gì!

Theo người Nhật, bất cứ việc gì muốn được xem là toàn thiện thì không những phải hội đủ các đặc tính vật chất, mà còn mang một tính chất không thể cân lường, không thể nhìn thấy, hướng về cõi vô hình. Người Nhật gọi tên là "sabi". Thuật ngữ "sabi" thật khó dịch ra đúng nghĩa. Có người tạm dịch là "patine", tức là lớp meo mốc, rêu phong, bám vào vật bằng đồng cũ, vào tấm bia cổ. Nhưng "sabi" lại có tính chất tinh tế hơn. Những bậc thầy về bonsai có nhiều bí quyết để tạo ra nét rêu phong như thế.

Một cây cảnh toàn hảo không mang dấu vết gì, kể cả những vết uốn nắn mà nó phải trải qua. Nghệ thuật bonsai trọng về tự nhiên. Vỏ cây sần sùi, lồi lõm không đều, mặc dù phủ lớp rêu phong, nhưng phải là không có sự chắp nối, chiết cắt. Những cành vô dụng phải được cắt bỏ đi từ khi mới nhú ra. Tất cả thành phần trong cây cảnh phải hoà hợp, cành không nên già hơn rễ, rễ không già hơn cành.

Đầu cây càng già thì càng tròn, trông giống như cái tán. Trái lại cây còn non thì đầu nhọn, được hiểu như tham vọng chưa được thoả mãn, trông thật trơ trẽn. Cũng như người, đến một lúc nào, cây cũng phải biết "an phận" của mình. Không gì khó coi hơn, một cây đã già nua mà "không biết nhẫn", cứ chìa đầu ra, hếch mặt lên trời. Đó là mất quân bình. Cũng là kém khôn ngoan, đã chống lại minh triết của tạo hoá. Chơi cây cảnh phải hiểu nguyên tắc này. Muốn tạo cho phần trên cùng của cây bé nhỏ có dáng tròn xinh xắn, cần phải tác động bằng nhiều cách. Hiệu quả tốt nhất là độ cạn của chậu. Các cành đều lệ thuộc ít nhiều vào rễ, vì rễ nuôi cành. Rễ đâm thẳng xuống, thì đầu cây sẽ nhọn. Rễ đâm ngang thì đầu tất bằng.

Khi mùa đông đến, người ta bứng cây ra đặt xuống đất trong vườn theo phương pháp hồi xuân, những cành trên thường chỉa lên trời vì rễ đâm xuống. Như thế có thể tạo nên tán tròn. Với những ý niệm kể trên, một cây cổ thụ hoàn toàn lí tưởng trong bonsai phải thể hiện được thế quân bình thiêng liêng trong vũ trụ. Đầu trên của cây hơi cong tròn, trông vẻ khiêm tốn. Tuy nhiên, người ta cũng thấy đột phá một vài cây cổ thụ có những cành bên trên ngả mạnh về sau. Trông tưởng như những trận cuồng phong làm cho xô dạt về một phía. Đó là thể hiện số phận khổ đau của những người không muốn an phận, thủ thường.

Trồng cây cảnh thu nhỏ là một nghệ thuật ít tốn kém mà một người nghèo hay một người giàu có đều có thể thực hành được. Trong bất cứ phòng khách nào của người Nhật cũng có chỗ dành riêng cho chậu cây cảnh. Chậu cây đặt trên một cái bàn con, phải vừa tầm nhìn của khách ngồi trong phòng để khách thấy được toàn thể mà khỏi nhướn người lên hay phải ngước mắt. Trong phòng khách của người Nhật thường thiếu vắng những đồ đạc, tranh ảnh, sắc màu rực rỡ, mục đích là để cho khách để ý đến cây kiểng đặt nơi trang trọng của căn phòng. Những câu chuyện xã giao của họ cũng khởi đầu bằng chuyện cây cảnh. Trên thị trường người Nhật không ghi danh mục bonsai, vì theo họ, đưa một chậu bonsai ra nước ngoài khiến cho cây cô đơn vô cùng.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Cây sanh 120 tỷ của ông Nguyễn Trung Thành - Việt Trì - Phú Thọ

Không hiểu bằng cách nào mà 30 năm trước lại rơi vào tay giới chơi cây.
Không rõ ông chủ của “siêu cây cảnh” ở đất Việt Trì có tuyên bố cụ thể về giá cây sanh này hay không, nhưng đám bảo vệ trông nom cây cảnh thì luôn mồm tuyên bố nó có giá 120 tỉ đồng!
Không hiểu đây là giá ông Nguyễn Trung Thành đưa ra, giá có người trả nhưng không bán, hay giới chơi cây định giá? Hay ông Thành “vàng” đòi từng đó mới bán? Hay dù có người trả từng đó cũng không bán? Tóm lại, con số 120 tỉ đồng này rất mờ ảo. Mà thứ mờ ảo thì nó lan rất nhanh theo tin đồn.

Ông Nguyễn Trung Thành bên cây sanh quý.

Nhân đây cũng xin kể một chút về xuất xứ nhiều tranh cãi của cây sanh “Mâm xôi con gà” hay còn gọi là “Con gà mâm xôi”.
Xung quanh cây sanh này có nhiều huyền thoại huyễn hoặc. Theo đó, gốc gác của nó từ sân chùa Hương Tích. Không hiểu bằng cách nào mà 30 năm trước lại rơi vào tay giới chơi cây.
Cách đây 15 năm, cây sanh về tay anh Cường “họa sĩ”, được anh này chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa tót, thổi giá trị cho cây. Sau đó, anh Cường bán cho đại gia Quý “trôi” với giá 950 triệu đồng (nhà anh này ở thị trấn Trạm Trôi, nên có biệt danh thế, chứ không phải đi buôn cá trôi như một số người hiểu lầm).
Thương vụ mua bán ngót bạc tỉ đã gây sửng sốt một thời. Sau đó, cây sanh này còn về tay một đại gia ở quận Đống Đa. Mãi đến năm 2007, đại gia Thành “vàng” mới rước được về Việt Trì với giá mà anh tuyên bố là 5,6 tỉ đồng! Số tiền bỏ ra mua cây sanh, bằng giá chiếc Rolls Royce khi đó. Không rõ thực hư thế nào, vì ai mà biết tường tận cuộc giao dịch này.

Người xem cây được tặng ảnh.

Vì có lời đồn xuất xứ của cây từ chùa, nên nhiều đại gia mê tín không thích nó. Lấy cái gì của chùa cũng xui xẻo cả. Tuy nhiên, với đại gia Thành “vàng” thì cây sanh có vẻ không những không mang lại xui xẻo, mà mang lại danh tiếng nhiều hơn cho chủ nhân của nó. Xưa kia, chỉ người Việt Trì mới biết đến ông Thành “vàng” vì ông này có mấy cửa hàng vàng bạc ở Việt Trì, nhưng chỉ với tác phẩm có cái tên đơn giản là “Mâm xôi con gà” thì không những giới chơi cây cả nước, mà người mê cây cả nước đều biết tiếng.
Theo lời đồn, cây sanh này có xuất xứ từ chùa Hương. Tuy nhiên, theo họa sĩ Đặng Xuân Cường - thường gọi là Cường “họa sĩ” - người từng sở hữu cây sanh này nhiều năm, thì nó có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ.

Không thể nhận ra đâu là mâm xôi, đâu là con gà nữa.

Cây sanh vốn được anh Cường đặt lại tên là "Cổ hương đại thụ". Chữ "hương" ở đây có nghĩa là hương thôn, là đơn vị nhỏ của làng xã khi xưa. Vì cây sanh vốn mọc trên cổng làng Ngô Sài, nên anh Cường đặt tên nó như vậy.
Từ những năm đầu thế kỷ trước, các cụ bô lão đã hạ cây xuống khỏi cổng làng. Cụ thân sinh ra ông Phạm Văn Tình vốn yêu thích cây cảnh, nên đã mang về trồng trên hòn non bộ bằng đá ong trước nhà. Chính cụ đã kỳ công tạo dáng cây sanh thành “Mâm xôi con gà”, thể hiện ước mơ của những nông dân thời đó, mong sao cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thân phụ ông Tình qua đời, cây sanh thuộc về anh em nhà họ Phạm. Ông Tình là trưởng họ, nhưng vì cây sanh là tài sản chung, vả lại, mọi người đều ham thích chơi cây, nên mấy anh em chia thời gian sở hữu, để mọi người cùng được chơi. Mỗi người chơi 3-4 tháng, rồi lại chuyển qua nhà khác. Khi đó, cây sanh đã ôm trọn hòn non bộ, là những khối đá ong.
Năm 1996, ông Tình bỏ tiền xây cho người em một ngôi nhà cấp 4, thì được toàn quyền sở hữu cây sanh. Khi ông Tình sở hữu, có quyền quyết định mua bán, thì họa sĩ Đặng Xuân Cường đã rước được nó về nhà.

Thân cây dáng trực.

Khi họa sĩ Đặng Xuân Cường mua cây về, người khen thì ít, mà người chê thì nhiều. Cây cảnh nghệ thuật thường mang dáng "long, ly, quy, phụng" cho sang trọng, hoặc ít ra cũng phải "tùng, cúc, trúc, mai", đằng này lại giống mâm xôi với con gà. Sốt ruột, họa sĩ Cường đã mang cưa và kéo ra “tùng xẻo” tan tành. “Tùng xẻo” xong, thấy nó không còn giống mâm xôi, con gà nữa, thì anh đổi tên nó thành "Cổ hương đại thụ".
Xưa kia, cây mang thân trực, có nhiều rễ ôm thành vách, cách gốc chừng 1m có nhiều cành đan xen chằng chịt tạo thành tán tròn tượng trưng cho mâm xôi, phía trên ngọn là một con gà trống đang vươn cổ cất tiếng gáy. Giờ người xem nhìn mãi mà chả thấy mâm xôi với con gà đâu cũng là điều dễ hiểu.
Suốt 8 năm chăm sóc tỉ mẩn, chỉnh sửa, tạo dáng, cây "Cổ hương đại thụ" đã trở nên hoàn thiện, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, vẫn không ít người chê bai. Người thì bảo anh Cường đã cắt hỏng, người nói nên sửa thành song thụ, có người khuyên nên bán đi.
Cuối cùng, anh Cường “họa sĩ” đã bán cây sanh cho anh Nguyễn Văn Quý, tức Quý “trôi” vào năm 2004. Đến năm 2007, thì anh Quý bán cho ông Thành. Cái tên "Mâm xôi con gà" đã thành thương hiệu, đã nổi tiếng, nên dù nó chẳng còn giống mâm xôi với con gà, song cái tên đó vẫn được những người sở hữu về sau giữ lại.
Sau vụ chuyển nhượng “kinh khủng”, với số tiền 5,6 tỉ đồng cho một cây cảnh vào năm 2007, đại gia Thành “vàng” tiếp tục nổi như cồn khi có… lời đồn: Khi đem cây sanh xuống triển lãm ở “vườn thượng uyển” của đại gia Phiến “cá” ở thành phố Vĩnh Yên, một tỉ phú người Nhật đã đến xem và trả giá 1,2 triệu USD, song ông Thành vẫn… dửng dừng dưng. Một số người biết về cây sanh này thì kể khác: Hình như có đoàn khách Đài Loan đến ngó nghiêng cây rồi nói chuyện vui với nhau rằng cây này có đến triệu đô không nhỉ? Chỉ có thế mà nó thành 1,2 triệu đô. Tóm lại, vẫn chỉ là lời đồn, nên không biết thực hư thế nào.

Cây sanh

Cây sanh 10 tỷ!


Sanh có tên khoa học là Ficus indica L. thuộc họ Morace
Đặc điểm hình thái cấu tạo:

Là cây thân gỗ, trong điều kiện tự nhiên có thể đạt chiều cao 15-20m, có khả năng phân cành cao và trên thân hoặc cành thường là hình các u bướu và các sống gờ do sự sinh trưởng mạnh. Ngoài rễ dưới đất, sanh còn hình thành rễ ở trên bề mặt đất từ cành lớn hoặc thân. Rễ này thường gọi là rễ khi sinh hình thành nhiều trong mùa mưa, ẩm và có hai loại phân biệt ở khả năng ăn dài xuống đất hình thành rễ cọc cho cây . Cành dẻo dễ uốn.

Lá sanh dày và phân bố trên cành với mật độ cao tạo ra phần tán lá rậm rạp, xum xuê. Quả khi chín có màu vàng trong có hạt và có khả năng mọc mầm tạo ra cây con theo lối sinh sản hữu tính. Ngoài phương thức sinh sản này thì phương thức nhân giống chủ yếu của Sanh là nhân bằng con đường vô tính từ các cành, rễ.

Nguồn gốc, nhu cầu sinh thái:

Sanh có mặt ở các vùng nhiệt đới ẩm và hiện nay thường gặp hầu hết các vùng của đất nước Việt Nam. Chúng sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm (nóng và mưa nhiều ) và hình thành các trồi lá mạnh vào mùa mưa. Yêu cầu nước cao để sinh trưởng và phát triển, có khả năng chịu ngập úng ở thời gian dài. Khi khô hạn hoặc thiếu nước cây sinh trưởng chậm, hình thành các lá vẩy bao vây lấy điểm sinh trưởng ngọn cành hay thân và trên thân thường xuất hiên các điểm lồi trắng. Sanh cũng được trồng ở những vùng đông lạnh.

Sanh thích hợp trên nhiều loại đất và có thể bám trên đá để sống miễn là có nước cho sinh trưởng của cây. Chúng cũng được trồng trong điều kiện chiếu sáng rất khác nhau nhưng thích hợp nhất là trong điều kiện chiếu sáng tán xạ.

* Kỹ thuật nhân giống:

Sanh là loại cây rất có thể nhân giống và có thể nhân theo phương thức hữu tính (từ hạt ) và phương thức vô tính ( từ cành râm, cành triết).

*Kỹ thuật trồng: Cây con đem trồng ra luống đất hoặc chậu phải có bộ rễ tốt và kích thước nhất định để nhanh tạo được giáng, thế yêu cầu. Đất trồng nên chọn các đất tốt, giàu mùn và có thành phần cơ giới trung bình hay hơi nặng, không nên trồng trên đất sét, gan gà vì như vậy cây sinh trưởng chậm mặc dù vẫn ra lá, cành. Trong trường hợp đất sấu hoặc đất quá nặng cần bón lót thêm phân truồng làm đất trước khi trồng.

Sau khi trồng phải tiến hành chăm sóc thường xuyên như : cắt bỏ các nhánh vô ích, bấm ngọn đặc biệt là tưới giữ ẩm cho đất để duy trì sinh trưởng sự phát triển cuả cây và làm cho thân cây chóng to.